Những kẻ ngoại tình có phải gánh nghiệp báo nặng nề không?

những kẻ ngoại tình

Chuyên gia ơi, tôi tìm hiểu và được biết, theo quan niệm “gieo nhân nào, gặt quả nấy” của nhà Phật, những người phạm tội ngoại tình sẽ phải chịu báo ứng nặng nề. Vậy những kẻ ngoại tình liệu có phải chịu báo ứng nặng nề hay không?
Rõ ràng, cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật đã đề cập đến vấn đề ngoại tình và hệ lụy của nó. Người ví, một người vợ ngoại tình được ví như một người vợ sát nhân. ‘
Tương tự, một người chồng ngoại tình cũng giống như một người chồng sát nhân. Như vậy, dù không phải là hành vi giết người, cướp của nhưng việc ngoại tình đi trái lại thuần phong mỹ tục, đạo đức làm người.  
Tôi còn thấy bảo, ngoại tình được quy vào tội tà dâm. Người có thói tà dâm thường hay có ý nghĩ, lời nói và hành vi xấu. Tội tà dâm tuy mang đến khoái cảm nhất thời nhưng nó gây ra quả báo rất khủng khiếp.
Sự hưởng lạc và phóng túng nơi nhân gian chỉ là rất ngắn ngủi nhưng sự đau khổ mà họ phải chịu trong địa ngục là ngoài sức mô tả!
Nhiều người còn đồn đoán, người phạm tội tà dâm, ngoại tình phải gánh chịu phải gánh chịu 18 loại báo ứng sau: Sẽ sống kiếp oan trái, có nhiều người thù ghét, sống cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn, ngủ gặp nhiều ác mộng mà khi thức có tâm thái ưu phiền.
Khi đầu thai không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) hoặc kiếp sau làm kẻ ái nam, ái nữ, giáng vào dòng họ, hạng người thấp hèn, thân hình tật nguyền, xấu xí.
Trong cuộc sống họ dễ nóng giận, thất vọng, tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi, sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm, bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng, cả đời phải sống cảnh xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ. Hậu vận mạt hạn sống khổ cực, mắc nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ và dù sống nơi nào cũng không được an lạc.
Tôi chỉ thấy hậu quả nhãn tiền với người ngoại tình là con cái của họ thiếu đi tình thương, học theo cha mẹ, nhân cách rối loạn hoặc nhân sinh quan thiếu đúng đắn.
Nhưng thật tò mò không biết, nếu chẳng may bị loạn nhịp trái tim và hối cải sửa chữa đúng đắn thì những người đàn ông, phụ nữ ngoại tình, sau này có được thứ tha không? Ngoại tình và quả báo dành cho họ là gì?
Ứng Quang Minh (Quận 5, TP.HCM)

Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình:
Bạn thân mến!
Trong cuộc sống thường ngày đôi khi chúng ta bối rối giữa hôn nhân pháp lý và ngoại tình có yếu tố tình yêu. Nếu đó là tình yêu chân thật thì đường dây tình cảm ấy có thể giúp con người ta giải thoát khỏi đau khổ, đè nén hoặc các cuộc hôn nhân địa ngục thì vẫn được ghi nhận, được ủng hộ. Vì sao ư, vì không ai cầm tù được tình yêu cả!
Tất nhiên trong khi đi tìm tự do và tình yêu ấy, trong hành trình đấu tranh ấy, có thể có người vươn tới hạnh phúc nhưng cũng có người phải trả giá rất đắt, thậm chí là bi kịch vì ai ai cũng có cả mê lầm. Các áng văn thơ kim cổ hay viết về những tráng ca, những điển hình như thế. Hạnh phúc ấy, đau khổ ấy chính là nhân quả.
Còn một hình thức ngoại tình khác mà người ta hay gọi là ngoại tình không tình yêu. Ở đây tồn tại các năng lượng dục vọng. Dục vọng về tiền bạc, về quyền  lực hoặc về nhu cầu dục trong vô thức là nền tảng đưa đến ngoại tình.
Điều này vừa gây ức chế cho cơ thể năng lượng vừa thúc đẩy sự mất hài hòa trong nhận thức và hành động, nhưng do là cái tôi nên nó có khoái cảm, gây nghiện. Từ đây con người ta cư xử dễ sai lệch, và như thế nhân quả đến đâu, xấu tốt thế nào phụ thuộc vào sự tích lũy sai lầm của từng người.

Phật nói để ta Ngộ ra chứ không nói để ta tin theo lời, chấp vào lời
Quay trở lại vấn đề bạn nêu, chuyên gia cảm thấy cần thận trọng. Mỗi ngày lên mạng ta hay thấy có hiện tượng mượn danh Phật mà đặt lời, có rất nhiều câu sai, câu đúng nhưng không phải là chân lý, bậc Phật không nói vậy.
Bậc Phật thường truyền dạy kiến thức trong tĩnh lặng, không lời. Bởi lời nói hay chữ viết không truyền đạt được toàn bộ chân lý, (ví dụ chân lý về ngoại tình). Còn khi bậc Phật nói thì sẽ nói cái toàn thể, cái trọn vẹn. Nghĩa là thông qua lời Phật, chuyện đúng- sai biến mất và người học ngộ ra sự thật mới, chân lý hơn chứ không chấp vào lời.
Bởi vậy khi bạn nghe ai đó khẳng định “Phật nói rằng…” thì hãy đừng tin và đừng không tin, ta cần nghĩ tiếp, tư duy tiếp sâu hơn. Kể cả câu Đức Phật ví “vợ ngoại tình giống như kẻ sát nhân”  chưa chắc đã là câu của Phật, hoặc trích dẫn không trọn vẹn khiến người khác hiểu sai vấn đề. Khi ấy, nếu cái tôi chấp vào sẽ dễ tạo ra tâm lý đánh đồng, tâm lý sợ hãi, tâm kỳ thị…

Các tác động của ngoại tình đến cảnh giới ta đang sống
Theo quan sát của một bậc giác ngộ nổi tiếng ở Ấn Độ thì một người trong sáng sẽ không có nhu cầu sở hữu của cải, quyền lực và tình cảm. Họ hoàn toàn ban tặng, tình yêu của họ cũng vậy, đó là tình yêu tạo hóa, tình yêu Phật tính.
Năng lượng là chuyển động và ai cũng có lúc yêu và có hết yêu, đó là lẽ tự nhiên. Theo bậc giác ngộ thì: “Bạn hạnh phúc khi thấy bạn đời được hạnh phúc, dù người đó có yêu ai và được yêu, đó là đạt Đạo”.
Nhưng do bình thường, chúng ta vẫn còn chưa đạt tới tâm thức ấy. Ví dụ tôi chẳng hạn, chắc cũng sẽ buồn lắm nếu rơi vào trường hợp bạn đời bỏ mình và con ra đi. Ba căn tham sân si vẫn tác động và chúng ta còn thích sở hữu. Khi còn tâm sở hữu thì bản thân người sở hữu đã không còn nhiều hạnh phúc rồi.
Quay trở lại vấn đề, có một quy luật tâm lý là ai càng có tính sở hữu cao thì người đó càng nặng nề, mệt mỏi. Ví dụ, tất cả những người sở hữu bạn đời cực đoan thì dễ rơi vào cuồng yêu hoặc cuồng ghen, hoặc độc đoán độc chiếm. Người ấy không chấp nhận được bạn đời của mình có chút tình cảm với người khác. Người ấy sở hữu bạn đời như một đồ vật tầm thường và làm cho cả 2 rơi vào địa ngục.
Càng sở hữu thì các cõi ác giới như bạn nói (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) phát sinh ngay trong tâm hồn chứ chưa nói đến kiếp sau. Biểu hiện của địa ngục ấy là cảm thấy lo âu, đau khổ, ghen ghét, phẫn nộ. Biểu hiện của địa ngục ấy là đánh đập, trù dập, trừng phạt và thậm chí mất kiểm soát dẫn đến giết người.
Chia sẻ như vậy để thấy nhân quả của chuyện ngoại tình, ngoại tình và quả báo, có ngoại tình mang tới giải phóng. Nhưng rõ ràng, nhiều sự ngoại tình vì dục vọng ích kỷ của mình thì đi đến tự tù đày. Vậy nên rơi vào cảnh giới nào sau này, theo các bậc thầy phụ thuộc vào việc mình gây ra chuyện gì, ảnh hưởng tới cái chung ra sao và đặc biệt: Động cơ gây chuyện là gì?

Quan trọng là đánh thức được tình yêu đối với con người.
Các bậc thiền khi quan sát vấn đề thường không đặt vấn đề cấm hay không cấm. Họ cho rằng đó là chuyển động của nhân quả và hãy bình tĩnh quan sát để nhận ra vấn đề trong chính mình thay vì phán xét đúng sai ở người khác. Nếu trong hành động đó bạn nhận ra bản chất của ngoại tình, bản chất của tình yêu con người, nhận ra con người thật của mình thì trải nghiệm ấy là có ích.
Ngược lại, không quan sát được ta sẽ dễ bị các năng lượng ích kỷ, hẹp hòi, các ham muốn tầm thường nhỏ nhen dẫn dắt lý trí, khởi lên tâm địa ác độc và hành động nguy hiểm. Điều đó tạo nhân quả sâu, bệnh tật nhiều, vòng luân hồi rộng ra và sau này quá trình sửa chữa, tu tập gian lao hơn. Đó mới điểm đáng nói của ngoại tình và luật nhân quả.

Bạn hỏi: Nếu chẳng may bị loạn nhịp trái tim và hối cải sửa chữa đúng đắn thì những người đàn ông, phụ nữ ngoại tình, sau này có được thứ tha không? Theo các bậc thiền, người ngoại tình và người bị ngoại tình là một cặp duyên nghiệp.
Ai cũng có lỗi của riêng mình và những gì gặp phải là do quá khứ mình gây ra. Nếu trung thực với bản thân mà nhận ra sai lầm và tự sửa chữa thì tất yếu được thứ tha. Nếu bạn là vợ của họ chẳng hạn, các mặc cảm, ức chế lưu cữu trong tâm được tiêu tan, bạn và người ấy có khả năng tự tha thứ cho người, cho mình.
Câu hỏi của bạn giúp tôi tìm hiểu và học thêm nhiều điều. Ngoại tình và luật nhân quả, ngoại tình và quả báo, tùy bạn hiểu và cảm nhận.
Chúc mạnh khỏe!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *